Khi nói về hành trình ơn gọi của mỗi người, Chúa Giê-su cũng nói về những nguy cơ mới ở ơn gọi của cộng đoàn và ơn gọi riêng biệt của mỗi chúng ta.
Huyền nhiệm ơn gọi.
Khi nói về ơn gọi, nhiều người thường gán ghép danh xưng này cho những người ở bậc tu trì và vì thế nhìn chung Ki-tô hữu chưa khám phá được nét đẹp của huyền nhiệm ơn gọi trong cuộc đời của mỗi người. Dụ ngôn Chúa Giê-su vừa kể gợi lên nét độc đáo trong huyền nhiệm ơn gọi của mỗi chúng ta. Trước hết đó là một lời mời gọi thông phần.
Trong cả ba trường hợp được gọi trong ngụ ngôn, tất cả những người của ba lần gọi nhằm phục vụ một mục đích chung duy nhất : làm việc trong vườn nho cho ông chủ. Dù thời gian có khác nhau, dù tuổi tác có thể cũng khác nhau, dù khả năng có thể yếu kém đến mức không ai mướn… tất cả đều được gọi để chia sẽ chung một sứ vụ nơi vườn nho. Đây là điều gợi mở cho chúng ta hôm nay. Dù tôi là ai, tôi đang sống ở bậc ơn gọi nào, trong hoàn cảnh nào tất cả chỉ có chung một sứ vụ duy nhất : vườn nho. Tôi có thể nhổ cỏ, có thể tỉa lá, có thể tưới cây… tất cả những khác biệt đó không quan trọng. Điều quan trọng là chúng ta đã và đang được mời gọi để chia sẽ chung một sứ vụ duy nhất.
Ơn gọi không là một mệnh lệnh nhưng là một lời mời.
Nếu để ý bản văn một cách chi tiết, chúng ta sẽ nhận thấy một điều rất lạ. Trong ba lần tuyển người cho vườn nho. Chỉ duy nhất lần đầu Tin mừng thuật lại ông chủ sai họ vào vườn nho làm việc. Hai lần còn lại thì khác, ông mời : « Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! ». Nếu như theo ngữ pháp tiếng việt, rõ ràng trường hợp thứ nhất là mệnh lệnh. Hai trường hợp sau là lời mời. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thấy, chỉ có trường hợp thứ nhất mới nhắc tới chuyện mặc cả, thỏa thuận công cán. Rõ ràng ơn gọi là nhưng không, đó là một lời mời của Thiên Chúa. Sự mặc cả thỏa thuận vẫn có thể đem một ai đó vào vườn nho để làm việc nhưng nó không còn là một lời mời gọi nữa, đó chỉ là một thứ thợ được thuê mướn để làm việc. Xong công việc hợp đồng sẽ chấm dứt.
Ơn gọi là một lời mời gọi quãng đại.
Quả là một ông thợ kì quặc, thuê thợ mà đến cuối ngày cũng thuê. Xem ra việc thông phần sứ vụ nơi vườn nho cũng không quan trọng lắm. Vấn đề ở đây ơn gọi là lòng quãng đại nơi Thiên Chúa dành cho người được gọi. Ngay cả khi chúng ta tưởng chừng chẳng còn cơ may, chẳng còn hy vọng gì… chúng ta vẫn được gọi. Thiên Chúa không muốn chúng ta sống nhưng những người không còn hy vọng. Ngài đem lại cho chúng ta chút niềm an ủi cuối cùng. Bởi thế thái độ chúng ta đáp lại lời mời gọi này vẫn luôn là điều quan trọng. Nếu không ý thức đúng chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào bẫy của những cơn cám dỗ trong sứ vụ của mình.
Những cơn cám dỗ trong đời sống ơn gọi của chúng ta.
Ơn gọi đến từ Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên cao quý nhưng rõ ràng chúng ta vẫn là những con người yếu đuối, bất tài. Với chúng ta, nếu không ý thức đủ để cộng tác với ân sủng, chúng ta sẽ dễ dàng ngã gục trước những cơn cám dỗ. Dụ ngôn gợi lên cho chúng ta những cơn cám dỗ của sứ vụ.
Trước hết đó là cơn cám dỗ đòi sự thỏa thuận. Đây là vấn nạn của con người thời đại. Cần sòng phẳng trong mọi sự kể cả trong đời sống tâm linh. Vì mong muốn được sòng phẳng, mong muốn được thẩm định kết quả dựa trên khả năng của mình nên chúng ta đã phá vỡ ơn gọi của chính chúng ta. Ơn gọi không còn là ơn gọi nữa mà trở thành một cuộc trao đổi giữa người thợ và ông chủ : « ông dùng sức lực và tài năng của tôi nên ông phải trả đúng phần công sức của tôi ». Ơn gọi vốn là một huyền nhiệm của tình yêu, do vậy không có chỗ cho những hợp đồng sòng phẳng. Mà giả như nếu có, ngay lập tức nó sẽ trở thành một cuộc mua bán và đổi chác để cuối cùng chúng ta phải chấp hành mệnh lệnh hơn là thông phần vào sứ vụ.
Cơn cám dỗ này không dừng lại ở đây, nhưng nó dẫn tới cơn cám dỗ khác. Đó là cơn cám dỗ so bì với anh em mình. Khi chúng ta lượng giá ơn gọi của mình trên những việc mình đã làm, trên những thành quả mình đã gặt hái được. Nguy cơ của những cơn cám dỗ này sẽ tiếp tục đeo bám chúng ta, thậm chí còn nguy hiểm hơn, nó trở thành chất vấn Thiên Chúa về hành vi đối xử của ngài. Chúa Giê-su nhắc nhở những ai đang trong cơn cám dỗ này : « Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn... Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?»
Cơn cám dỗ đòi hỏi công đức cũng dễ nhận thấy khi nhóm thợ đầu tiên vừa lãnh tiền vừa cằn nhằn với chủ : «Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt». họ đã không nói trực tiếp về việc đòi hỏi nhưng đã gợi ý xa, gợi ý gần. Giống như họ, chúng ta cũng đã quên rằng : Chúa mới là người có quyền định đoạt phần thưởng trong ơn gọi của chúng ta. Ngài đã gọi chúng ta bởi lòng khoan dung của ngài, ngài cũng sẽ ban thưởng như như ngài muốn tùy vào lòng bao dung của ngài.
Câu chuyện những người thợ được gọi vào làm vườn nho đã và đang gợi nhắc cho chúng ta thẩm định lại ơn gọi của chính mình. Cách chúng ta hiểu về ơn gọi cũng sẽ là cách chúng ta lượng giá hành trình của chúng ta.
Chúa đã yêu thương mời gọi chúng con thông phần, chia sẽ sứ vụ vườn nho của Ngài cùng với anh chị em chúng ta. Ước gì mỗi chúng ta sẵn sàng đáp trả lời mời gọi này, sẵn sàng cộng tác với anh chị em để hoàn tất điều ngài muốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
hãy cho biết ý kiến của bạn...!