Thứ Tư, 10 tháng 2, 2010

Cuối năm nhìn lại: Tốt-Xấu...!

Có câu chuyện như sau :

Một ông vua rất phù phiến, một ngày kia nổi hứng triệu tể tướng đến, đòi phải đi tìm cho bằng được ba người đại khôn, tể tướng đi vài ngày ra ngoài kinh thành, tìm được một người đàn ông đói rách ở nơi kẻ chợ, luôn tự coi mình là kẻ sĩ, mang về gặp vua.

Nhà vua rất ngạc hiên hỏi : « tại sao có thể coi hắn ta là người đại khôn được cơ chứ ? »

Tể tướng bẩm : « tâu bệ hạ, ngài có thể hỏi anh ta mọi điều mà người chưa được biết, anh ta có thể nói rành mạch đâu ra đấy ạ ! »

Quả nhiên như vậy, nhà vua đồng ý mà hỏi tiếp : « thế người đại khôn thứ hai là ai ? »

Tể tướng khiêm nhường đáp : « thưa, đó chính là thần đây ạ ! vì nếu là thần không phải là người đại khôn, thì sao có thế tìm thấy hắn ta là người đại khôn rồi đưa về đây yết kiến ạ ? »

Nhà vua gật gù đáp : « ngươi nói đúng lắm ! thế còn người thứ ba ? »

Tể tướng lễ phép thưa : « muôn tâu, người đó chính là bệ hạ ! »

Nhà vua quá ngạc nhiên, ngã hẳn ra sau ngai vàng và nói : « tại sao ngươi lại nghĩ như thế ? »

Tể tướng từ tốn đáp : « bệ hạ phải là người đại khôn mới có thể biết được thần là xứng đáng mà bổ nhiệm trọng trách tể tướng. »

Nhà vua cảm thán : « ngươi đã hoàn thành việc ta yêu cầu ! »



Một thời gian sau, vua lại thấy buồn buồn và đòi tể tướng tìm về cho mình ba kẻ đại ngu. Tể tướng đi vài ngày ra ngoài kinh thành, tìm người đàn ông đói rách nơi kẻ chợ luôn coi mình là kẻ sĩ kia mang về.

Vua quá ngạc nhiên, nhõng người lên ngai vàng và hỏi : « cớ sao lại coi hắn ta là kẻ đại ngu ? »

Tể tướng bình tĩnh đáp : « thưa bệ hạ, hắn luôn tự coi mình là kẻ sĩ lại chịu thân phận đói rách nơi đầu đường, xó chợ mà mong chút cơm thừa, canh cặn, thì có đúng là đại ngu không đây ? »

Nhà vua cười nói : « Đúng, thật thảm hại. hắn ta đúng là ngu tâm. Thế còn kẻ ngu thứ hai ? »

Tể tướng cúi đầu đáp : « dạ thưa, chính là ngu thần đây ạ ! tâu bệ hạ, ngu thần nhận trọng trách lo việc dân sinh mà không chuyên chú lại mất thời gian, tâm sức lang thang ngoài kẻ chợ cốt tìm về đây cho được một kẻ đại ngu, rồi để những kẻ sĩ phải đói rách, thì chính thần là ngu tài rồi ạ ! »

Nhà vua buồn buồn, ngả sau người vào ngai vàng, một lúc sau, ông ta nhướng mắt về phìa tể tướng, tầm giọng hỏi : « kẻ đại ngu thứ ba, ý của ngươi là ta hay sao ? »

Tể tướng quỳ xuống, rướn cổ lên về phía nhà vua nói : « vâng, thưa bệ hạ ! đang ra bệ hạ phải lao tâm lo việc quốc tế, thì lại bắt tể tướng đi tìm kẻ đại ngu trong thiên hạ, thì đó có thể coi là đại ngu, là ngu trí được không ạ ? muôn tâu : kẻ ngu tâm có thể chữa ; ngu tài như thần đây có thể thay ; nhưng bệ hạ không thể ngu trí, bởi như thế báo hại xã tắc mất thôi. »

Cha Anthony de Mello trong tác phẩm Call to love đã viết: « nếu bạn bị lôi cuốn vào những phán đoán của người khác, bạn đã phải ăn bả của sự căng thẳng, bất an, lo lắng vì hôm nay người ta coi bạn là đẹp và bạn hào hứng ; ngày mai người ta bảo bạn là xấu và bạn đâm ra ủ dột. » Trong câu chuyện trên, trước sau cũng chỉ với ba nhân vật : ông vua, vị tể tướng và gã ăn mày kẻ sĩ nhưng khi thì thành ba kẻ đại khôn, lúc thì trở thành ba kẻ đại ngu. Tất cả đều tùy thuộc vào cách đánh giá chủ quan của vị tể tướng mà thôi. Dĩ nhiên quan tể tướng đã dùng sự khôn ngoan của mình mà dạy cho ông vua phù phiếm một bài học, tuy nhiên ý nghĩa mà chúng ta muốn khai thác, chia sẽ trong câu chuyện này đó là chúng ta hay hình thành giá trị của chính mình dựa trên đánh giá của người khác. Chúng ta thường để sự bình an, vui vẻ của mình phụ thuộc vào lời khen, tiếng chê và chú ý đến sự công nhận của người khác dành cho mình. Chính vì thế mà chúng ta không còn tự do, không còn ý thức đúng đắn gia trị bản thân và rồi đánh mất chính mình. Bởi lẽ, ngoài Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi điều bí ẩn, hiểu rõ tâm can của mỗi người, thì chúng ta, nhưng kẻ mình trần, mắt thịt không thể nào thấu hiểu được những nông sâu của lòng người. Cổ nhân có câu :

Họa hổ, họa bì nan họa cốt.
Tri nhân tri diện, bất tri tâm.

Cái hình dạng bên ngoài rất nhiều khi không là phản ánh đích thực cái tâm thế bên trong của một con người, bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao như Nguyễn Du đã minh chứng qua hình ảnh của Hoạn Thư. Thế nhưng chúng ta hay có xu hướng đánh giá cách sống, thậm chí là đạo đức của một con người dựa vào những gì mình nhìn thấy, vào những định kiến và cảm nhận rất chủ quan của mình rồi như thế không thể tránh khỏi những sai lầm. Đại văn hào người Nga Lev Nikolaïevitch Tolstoï đã nói như sau : một trong những lầm lẫn vĩ đại nhất khi xét đoán về con người của chúng ta là chúng ta hay gọi và xác định : người này thông minh, người kia ngu xuẩn, người này tốt, người kia xấu, người thì mạnh, người thì yếu đuối trong khi con người là tất cả, tất cả những khả năng là cái gì luôn luôn biến đổi.

Sự đánh giá của người khác hay còn gọi là dư luận thì cũng có dư luận tốt và dư luận xấu, nhưng dù tốt xấu thế nào thì điều cần nhất là mình biết rõ chính mình. Khiêm tốn chấp nhận những gì tốt xấu mà mình có trong thân phận của một con người. Dĩ nhiên nổ lực tìm hiểu chính mình là một điều khó khăn, chúng ta phải cầu nguyện và dựa vào sự chỉ đạo, dìu dắt của Chúa Thánh Thần ; dựa vào những nhà hướng dẫn tinh thần, những sự chỉ đạo của các bậc thức giả, những chia sẽ chân thành, chân tình của những người bạn từng trải nghiệm… Đó là những nguồn trợ giúp tích cực, đích thực, thiết lợi nhất và những điều này không thể tìm thấy trong sự tùy tiện của dư luận.

Lạy Chúa, trong những ngày cuối năm, thời khắc chúng con phải nhìn lại đời sống của mình trong một năm qua. Xin cho chúng con biết dùng lời Chúa như ánh quang soi rọi cuộc sống của mình chứ không lượng giá nó dựa vào dư luận, vào sự đánh giá, khen chê của mọi người. Vì giá trị của chúng con dù đó là ngay thẳng hay gian dối, tốt đẹp hay xấu xa, là kẻ đại khôn hay đại ngu… thì chỉ duy nhất một mình Thiên Chúa thấu rõ. Xin cho chúng con luôn nhớ rằng : chúng con chỉ và chỉ trả lễ với chính Ngài về tất cả những suy nghĩ và hành động của chúng con mà thôi.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

hãy cho biết ý kiến của bạn...!