Thứ Sáu, 5 tháng 2, 2010

Tuổi thọ!

...
Bài thơ sau đây với tựa đề Đường Đời của thi sĩ Pháp Marie Noel, mô tả tuổi già vừa như là một sự suy giảm về mặt thể lý, tâm lý và trí tuệ vừa như một cuộc thăng tiến đi về với người Cha vĩnh cửu trên trời:

Đường đời vòng quanh như một con rắn tự ngoạm lấy đuôi.


Con người trần trụi vào đời từ lúc bắt đầu mở mắt, năm này qua năm khác học đi lên cho tới giữa cuộc đời, vào tuổi trung niên, rồi dần dần đi xuống, rốt cuộc với tấm hình hài trần trụi, trở về vị trí khởi hành.


Dần dần con người đã tăng trưởng, tầm vóc cao lên, rồi dần dần con người lưng thêm cong, gối thêm mỏi, thân hình thấp dần, cuối cùng cúi xuống cát bụi.


Dần dần con người đã phát triển ngũ quan, mở rộng tầm nhìn, tầm nghe, những quan năng khác tăng tiến hoàn chỉnh, như thể buổi sáng mở rộng các cánh cửa sổ, rồi mỗi ngày mắt thêm mờ, tai thêm lãng, khép ngũ quan lại như thể đóng cửa về đêm.


Mỗi ngày một chút, kiến thức đủ loại tích lũy trong trí nhớ, đến lúc về già, nói trước quên sau, để đâu quên đấy.


Mỗi ngày một chút chân thêm vững, tay thêm khéo, miệng thêm lưu loát, tới ngày xế bóng tay chân run rẫy, vụng về, nói năng chậm chạp lúng túng.


Một ngày trước kia, rời vòng tay mẹ, chập chững biết đi, một ngày sau này không còn sức một mình xê dịch, phải vịn cánh tay con cháu.


Thuở còn nằm nôi, mẹ cho bú mớm, thay lót đổi tã, rồi sẽ tới ngày nằm liệt giường, con cháu chăm nom, lau mặt thay áo, xúc cơm đổ thuốc.


Một ngày trước kia, mở mắt chào đời, làm quen với thế giới xung quanh, rồi sẽ tới ngày nhắm mắt buông xuôi, vĩnh biệt dương thế.


Một ngày trước kia, lần đầu hô hấp, con người sinh ra , rồi sẽ tới ngày thở ra lần cuối, đi vào cõi chết.


Một ngày xa xưa, trước khi ra đời, chín tháng mười ngày nằm trong bụng mẹ ấm áp, thêm thịt, thêm xương, hình thành cơ thể. Tới ngày cuối cùng đi vào lòng đất lạnh giá, hình hài dần dần phân hóa, thịt xương trở về cát bụi.


Một ngày xa lắm, con người xuất phát từ cha như một hạt giống truyền sinh. Tới ngày chấm hết cuộc đời trần thế, con người lại trở về trong Cha của mọi người cha phàm trần, để tái sinh trên cõi trường sinh.


Tới lúc đó, trong một bản thể mới, tất cả lại bắt đầu.

Một nét đẹp của tuổi già là sự bình an thanh thản trong tâm hồn sau khi đã cố gắng sống tốt cuộc đời theo các điều kiện riêng của mình và làm xong các bổn phận mình ở đời. Một người già có đức tin cũng vậy, nhưng sự bình an thanh thản của họ còn có một nền tảng khác sâu xa hơn, đó là sự phó thác cho tình yêu và lòng thương xót của Cha trên trời, phó thác ngay cả những lỗi lầm yếu đuối của mình. Đọc thơ của thi sĩ Xuân Ly Băng, tức linh mục Lê Xuân Hoa, Tổng Đại diện giáo phận Phan Thiết, tôi thấy đó chính là tâm tình của ngài trong bài Lên Tám Mươi , xin đọc vài câu:

Sáng ngày con thức dậy, Bảy chín lên tám mươi, Lạy Chúa trăm muôn lạy, Cảm tạ Chúa muôn đời. - Con có là gì đâu, Mà Chúa ban tuổi thọ, Con nằm dưới vực sâu, Giữa tro tàn phân thố.- Cho con sống đức mến Hôm nay và ngày mai, Bão giông đời lắm chuyện Chỉ sống phó thác thôi.- Vĩnh hằng là của Chúa Cát bụi là thân con, Con không xin gì nữa, Ý Chúa miễn vuông tròn.

Hạnh phúc của tuổi già có lẽ là tiếp tục được sống bình an, thanh thản và hạnh phúc giữa đàn con cháu trong khi vẫn luôn sẵn sàng ra đi bất cứ khi nào Chúa gọi. Người công giáo chúng ta chẳng quen nói: “chết là trở về Nhà Cha” đó sao?

trích Lm Nguyễn Hồng Giáo, Tuổi thọ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

hãy cho biết ý kiến của bạn...!