Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Năm Thánh 2010: Đề tài I: Ý THỨC THỰC TẠI THIÊNG LIÊNG

P H Ầ N M Ộ T


VỀ NGUỒN ĐỂ KHÁM PHÁ LẠI
BẢN CHẤT VÀ SỨ MẠNG


Cùng với Giáo Hội, chúng ta tìm về cội nguồn và hướng về cùng đích để khám phá lại bản chất và sứ mạng của mình, để biết rõ mình là ai và hiện diện để làm gì; nhờ đó, ý thức được vai trò và nhiệm vụ của mình trong Giáo Hội – tránh những phê phán và đòi hỏi không đúng đắn đối với Giáo Hội.


ĐỀ TÀI 1: GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH LÀ MỘT THỰC TẠI THIÊNG LIÊNG


A. PHẦN TRÌNH BÀY

Trong Năm Thánh 2010, Giáo Hội Việt Nam muốn thực hiện một cuộc canh tân toàn diện. Để canh tân cách toàn diện, Giáo Hội phải biết mình là ai và có mặt trên thế giới để làm gì. Muốn thế, Giáo Hội phải tìm về cội nguồn và cùng đích của mình là Thiên Chúa. Khi tìm về cội nguồn, Giáo Hội Việt Nam ý thức mình là một với Giáo Hội Phổ Quát và có mặt trên thế giới không do ý muốn của bất kỳ một cá nhân hay tập thể nào, nhưng do lòng nhân hậu của Chúa Cha muốn cho mọi người được nhận biết và quy tụ trong Chân Lý Tình Yêu là chính Ngài.

Giáo Hội được hình thành từ ý định muôn đời của Chúa Cha hằng hữu, là công trình của Chúa Con và Chúa Thánh Thần (x. Ep 1,3-14). Giáo Hội là cộng đoàn được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, được Chúa Giêsu cứu chuộc và giao hòa với Thiên Chúa bằng giá máu của mình, được Thánh Thần làm cho sinh động và trang bị bằng muôn vàn ân sủng để kết hợp với Đức Kitô ngày một hơn (x. Rm 12,3-8 ; Ep 4,7-13 ; 1 Cr 12,4-11). Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” của Công đồng Vaticanô II xác định Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi nghĩa là được quy tụ “do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” và được thiết lập như “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.”

Vì vậy, sự quy tụ của Giáo Hội hoàn toàn khác hẳn với bất cứ cộng đồng chính trị hay kinh tế nào của nhân loại, và Giáo Hội cũng không đơn thuần là một tổ chức nhân đạo do con người chủ xướng. Giáo Hội là một thực tại xã hội nhưng trước hết và trên hết là một thực tại mầu nhiệm. Để diễn tả phần nào mầu nhiệm này, Giáo Hội tự giới thiệu như là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Muốn dấn thân vào một cuộc canh tân toàn vẹn, Giáo Hội Việt Nam phải bắt đầu từ đâu?

T. Giáo Hội phải tìm về cội nguồn và cùng đích của mình là Thiên Chúa để biết mình là ai và có mặt tại Việt Nam để làm gì.

2-H. Quy chiếu vào Thiên Chúa, Giáo Hội Việt Nam nói mình là ai?

T. Giáo Hội Việt Nam ý thức mình là một với Giáo Hội Phổ Quát và có mặt không do ý muốn của bất kỳ một cá nhân hay tập thể nào, nhưng do lòng nhân hậu của Chúa Cha muốn cho mọi người được nhận biết và quy tụ trong Chân Lý Tình Yêu là chính Ngài. Giáo Hội biết rằng mình được khai sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi và được thiết lập như “dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.”

3-H. Giáo Hội nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng khác với cộng đồng chính trị hay kinh tế ở những điểm nào?

T. Giáo Hội khác hẳn với cộng đồng chính trị hay kinh tế vì được quy tụ do sáng kiến của Thiên Chúa và để phục vụ cho công trình cứu độ của Ngài.

4-H. Nhờ đâu mà Giáo Hội có mặt tại Việt Nam?

T. Giáo Hội có mặt tại Việt Nam nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần xuyên qua lịch sử truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu: “Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi thụ tạo và làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.”

5-H. Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” của Công đồng Vaticanô II xác định thế nào về nguồn gốc của Giáo Hội?

T. Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân” của Công đồng Vaticanô II xác định Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Ba Ngôi, nghĩa là từ sáng kiến của Chúa Cha, khôn ngoan của Chúa Con và tình yêu của Chúa Thánh Thần.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Tại sao muốn canh tân cách toàn vẹn, Giáo Hội Việt Nam lại phải tìm về cội nguồn và cùng đích của mình là Thiên Chúa?

2. Nhiều người mong muốn và đòi hỏi Giáo Hội dấn thân vào các hoạt động chính trị và xã hội như một tổ chức hay một thế lực. Đòi hỏi ấy, theo bạn, có đúng không? Tại sao?

3. Giáo Hội Công Giáo nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng quan niệm thế nào về trách nhiệm của Giáo Hội trước các vấn đề chính trị và xã hội ?

1.1 GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH LÀ DÂN THIÊN CHÚA

A. PHẦN TRÌNH BÀY

“Chắc chắn trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương (x.Cv 10,35). Tuy nhiên Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện. Vì thế Ngài đã chọn dân Ít-ra-en làm dân của Ngài, đã thiết lập với họ một giao ước, giáo huấn họ dần dần. Tuy nhiên những điều ấy chỉ là hình bóng của giao ước mới là hoàn hảo hơn sẽ được ký kết trong Chúa Kitô. Chính giao ước mới trong máu Ngài. Ngài kêu gọi một dân gồm những người Do Thái và lương dân (GH 9). Toàn thể dân Thiên Chúa tham dự vào ba chức năng: tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô, mang trách nhiệm thừa sai và phục vụ, khơi nguồn từ ba chức năng đó.

– Tư tế: khi gia nhập dân Thiên Chúa nhờ đức tin và Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta tham dự vào ơn gọi tư tế. Chúa Kitô đã tạo nên những tư tế cho Chúa Cha từ dân tộc mới... những người được thánh tẩy, được Thánh Thần xức dầu, để trở thành tư tế thánh thiện (x. GH 10).

– Ngôn sứ: khi dân thánh vĩnh viễn gắn bó với đức tin đã được truyền lại cho các thánh và đào sâu hiểu biết về đức tin, họ trở thành chứng tá cho Chúa Kitô giữa thế giới này.

– Vương đế: Chúa Kitô thực hiện vương quyền của Ngài khi lôi kéo mọi người đến với Ngài nhờ cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Kitô là vua và là Chúa của vũ trụ, đã trở thành tôi tớ của mọi người, Ngài “không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28). Vì vậy với Kitô hữu “cai trị là phục vụ” (GH 36). Dân Thiên Chúa thể hiện phẩm tính vương đế khi sống ơn gọi phục vụ.

Hội Thánh là dân Thiên Chúa. Thiên Chúa đã không cứu độ con người cách riêng lẻ, nhưng đã qui tụ họ thành một Dân. Ý thức này, phải thúc đẩy chúng ta rũ bỏ chủ nghĩa cá nhân trong đời sống đức tin, và sống tinh thần cộng đoàn nhiều hơn. Mỗi người có một trách nhiệm nhưng tất cả đều nhằm phục vụ lợi ích chung.

(Trích “Hội Thánh trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa” trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của HĐGMVN, trang 88-89)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Khi tự giới thiệu mình như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội muốn nói lên điều gì?

T. Khi tự giới thiệu mình như là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội muốn khẳng định mình là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn và thiết lập qua giao ước mới và vĩnh cửu trong máu Đức Kitô.

2-H. Là Dân của giao ước mới, Giáo Hội có những đặc điểm nào?

T. Là Dân của giao ước mới, Giáo Hội có những đặc điểm này:

- Một là có thủ lãnh là Đức Kitô;

- Hai là có được phẩm giá và tự do của những người con Thiên Chúa;

- Ba là có điều răn mới là yêu thương như Đức Kitô;

- Bốn là có sứ mạng trở nên muối men và ánh sáng cho trần gian;

- Và năm là có định mệnh gắn liền với Nước Trời.

3-H. Chúng ta gia nhập Giáo Hội bằng cách nào?

T. Chúng ta gia nhập Giáo Hội nhờ lòng tin vào Đức Kitô và nhờ phép Rửa tội.

4-H. Khi gia nhập Giáo Hội, chúng ta được tham dự vào những chức vụ nào của Đức Kitô?

T. Chúng ta được tham dự vào những chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế của Đức Kitô.

5-H. Đâu là phẩm giá và quyền căn bản của người Kitô hữu?

T. Phẩm giá và quyền căn bản của người Kitô hữu là được làm con cái Thiên Chúa và được hưởng tự do của người con.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Không có ơn gọi làm người Kitô hữu ngoài Giáo Hội: một Kitô hữu đơn độc, riêng lẻ là một điều mâu thuẫn. Khẳng định này, theo bạn, có chính xác không? Vì sao?

2. Thánh Lêô Cả đã thốt lên: “Hỡi Kitô hữu, hãy nhận biết phẩm giá của mình!” (PL 54,192) Là Kitô hữu, đối với bạn, có ý nghĩa gì ?

3. Có người cho rằng càng biết ít về lề luật và giáo lý càng được tự do sống theo sở thích. Theo bạn, đó có phải là tự do của người con cái Thiên Chúa, tự do mà Đức Kitô ban tặng không?

1.2 GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH LÀ THÂN MÌNH CHÚA KITÔ

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Hội Thánh hiệp thông với Chúa Kitô: Từ ban đầu Ðức Giêsu cho các môn đệ tham dự cuộc sống của Ngài: mặc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời: cho tham dự sứ vụ, niềm vui và những thống khổ của Ngài: Ngài còn mời gọi hiệp thông sâu xa hơn: “Hãy ở lại trong Thầy... Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15,4-5). “Ai ăn thịt và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Hội Thánh không chỉ qui tụ mà còn hiệp nhất trong một thân mình với Chúa Kitô.

Hiệp nhất giữa các phần thân thể nhờ hiệp nhất với Chúa Kitô. “Trong thân thể này sức sống của Chúa Kitô luôn tràn qua các tín hữu” (GH 7). - Chúa Kitô là Ðầu thân thể: Chúa Kitô “là Ðầu của thân thể, nghĩa là Ðầu của Hội Thánh” (Cl 1,18) “Ngài đứng hàng đầu trong mọi sự” (Cl 1,18) chủ yếu là trên Hội Thánh, qua đó Ngài mở rộng vương quốc Ngài.

Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô: Tương quan giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, tức đầu và các chi thể, luôn được diễn tả bằng hình ảnh bạn tình (phu quân và hiền thê) các ngôn sứ đã chuẩn bị và Gioan Tiền Hô đã loan báo chủ đề Chúa Kitô là phu quân (x. Mc 2,19). Thánh Phaolô giới thiệu Hội Thánh và mỗi tín hữu như “hiền thê” đã “đính hôn” với Chúa Kitô để nên một thần trí với Ngài (x. 1Cr 6,15-16).

Hội Thánh là dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa, cũng như giữa con người với nhau. Hơn ai hết, người Kitô hữu phải là người xây dựng sự hiệp nhất, yêu thương trong cuộc sống hằng ngày.

(Trích “Hội Thánh trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa” trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của HĐGMVN, trang 89-90)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Khi tự giới thiệu như là Thân Thể Chúa Kitô, Giáo Hội xác tín điều gì?

T. Khi tự giới thiệu như là Thân Thể Chúa Kitô, Giáo Hội xác tín rằng mình có nhiều chi thể mà vẫn là một thân thể duy nhất nhờ liên kết với Đầu là Chúa Kitô.

2-H. Với tư cách là Đầu, Chúa Kitô làm gì cho Giáo Hội?

T. Chúa Kitô làm cho Giáo Hội sống động và hài hòa; nghĩa là Ngài không chỉ ban cho Giáo Hội muôn vàn ân sủng mà còn phối hợp các chức năng cũng như tác vụ trong Giáo Hội với nhau để làm cho toàn thân được lớn lên và tăng trưởng.

3-H. Là Thân Mình Chúa Kitô, Giáo Hội phải làm gì?

T. Giáo Hội tùng phục Chúa Kitô theo nghĩa luôn để cho Ngài tác động và hướng dẫn.

4-H. Để trở nên phần tử sống động của Giáo Hội, trước tiên chúng ta phải làm gì?

T. Trước tiên, chúng ta phải liên kết với Chúa Kitô; nhờ đó, liên kết với nhau.

5-H. Chúa Kitô đã làm những gì để liên kết Giáo Hội vào sự sống của Ngài?

T. Chúa Kitô đã yêu thương và hiến mình cho Giáo Hội.

B. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Bạn có nghĩ rằng chính khi gắn bó và nên một với Chúa Kitô mà chúng ta làm cho Giáo Hội lớn lên và tăng trưởng không? Vì sao bạn nghĩ như vậy?

2. Khi nào thì chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Kitô?

3. Nhờ đâu mà hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, vốn có nhiều khác biệt, lại có thể hợp nhất với nhau trong sự đa dạng và phong phú?

1.3 GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH LÀ ĐỀN THỜ CHÚA THÁNH THẦN

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Linh hồn có vai trò đối với thân xác con người thế nào, thì Thánh Thần cũng có vai trò như vậy đối với Hội Thánh, Thân Mình Chúa Kitô” (Thánh Âu tinh). Chính Thần Khí Chúa Kitô, như một nguyên lý ẩn giấu, đã nối kết mọi phần thân thể với nhau cũng như với đầu, vì Ngài hiện diện hoàn toàn nơi đầu, hoàn toàn nơi thân thể, cũng như hoàn toàn trong mọi chi thể. Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh trở thành “đền thờ sống động của Thiên Chúa” (2Cr 6,16) bởi Ngài hiện diện trong mỗi phần tử và trong toàn thân .

Công đồng Vaticanô II dạy: “Qua mọi thời đại, Chúa Thánh Thần hợp nhất toàn thể Giáo Hội bằng niềm hiệp thông và thực thi tác vụ, ban phát cho các ơn phẩm trật và đoàn sủng khác nhau, để tựa như linh hồn, thông truyền sức năng động cho các định chế trong Giáo Hội” (SL về Truyền Giáo s.4). Chúa Thánh Thần xây dựng ngôi Đền thờ Giáo Hội bằng Lời Thiên Chúa và bằng đức Ái của Tin Mừng, canh tân và phát triển Giáo Hội bằng các Bí Tích, bằng muôn vàn ơn phúc và các nhân đức, cũng như các đặc sủng giúp các tín hữu “có đủ khả năng và sẵn lòng đảm nhận các công việc và nhiệm vụ khác nhau để mưu ích cho việc canh tân, xây dựng và phát triển Giáo Hội.” (SLTG số 4).

Chúa Thánh Thần không ngừng thúc đẩy Giáo Hội truyền giáo đến nỗi lòng nhiệt thành truyền giáo được xem là dấu chỉ của việc Chúa Thánh Thần thực sự hiện diện trong Giáo Hội.

Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động nơi tâm hồn các tín hữu, làm cho họ trở nên giống Đức Kitô, nên “những viên đá sống động xây nên ngôi Đền Thờ” của Thiên Chúa (x. 1Pr 2,5) – nơi Thiên Chúa ngự trị và nơi con người có thể dâng lên Thiên Chúa hy lễ thiêng liêng trong Thần Khí và Sự Thật.

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Khi tự giới thiệu mình như là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội xác tín điều gì?

T. Khi tự giới thiệu mình như là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội xác tín Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội, là nguyên lý vô hình liên kết mọi chi thể với nhau và với Đầu.

2-H. Chúa Thánh Thần xây dựng Giáo Hội bằng cách nào?

T. Chúa Thánh Thần xây dựng Giáo Hội bằng Lời Thiên Chúa và đức Ái của Tin Mừng.

3-H. Chúa Thánh Thần canh tân và phát triển Giáo Hội bằng cách nào?

T. Chúa Thánh Thần canh tân và phát triển Giáo Hội bằng các ân sủng và bí tích, bằng các nhân đức và đặc sủng.

4-H. Chúa Thánh Thần thúc giục Giáo Hội làm gì?

T. Chúa Thánh Thần không ngừng thúc đẩy Giáo Hội truyền giáo đến nỗi lòng nhiệt thành truyền giáo được xem là dấu chỉ của việc Chúa Thánh Thần thực sự hiện diện trong Giáo Hội.

5-H. Chúng ta phải làm gì để xây dựng Giáo Hội như là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần?

T. Chúng ta phải để cho Thiên Chúa dùng chúng ta như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng và để Người đặt chúng ta làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô (x.1Pr 2,5).

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Chúa Thánh Thần hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội như thế nào?

2. Đâu là những dấu chỉ cho thấy Giáo Hội là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần?

3. Theo bạn, mỗi phần tử phải làm gì để Giáo Hội thực sự là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

hãy cho biết ý kiến của bạn...!