Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Năm Thánh 2010: Đề tài IV: GIÁO HỘI ĐANG TIẾN BƯỚC TRONG LỊCH SỬ

ĐỀ TÀI 4: GIÁO HỘI VIỆT NAM ĐANG TIẾN BƯỚC TRONG LỊCH SỬ

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân gọi Giáo Hội là “Dân Thiên Sai” (LG 9b) nghĩa là dân của Đấng Thiên Sai, của Đức Kitô. Dân này ở vào “thời cuối cùng,” đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Đức Kitô cũng như đang sống thân phận lữ hành hướng tới thời hoàn tất cánh chung (Congar, Le Peuple Messianique, Paris 1975).

Là Dân Thiên Sai, Giáo Hội không những ấp ủ trong lòng niềm hy vọng của Đức Kitô về một thế giới công bằng và hạnh phúc Thiên Chúa đã hứa ban cho toàn thể nhân loại, mà còn thực thi sứ mạng Đức Kitô đã giao phó là dấn thân cho mọi người được sống như Thiên Chúa muốn; hoặc nói cách khác, cho Nước Thiên Chúa đến được với họ.

Cùng với Giáo Hội phổ quát còn đang bước đi trong đức tin, Giáo Hội Việt Nam cũng đang ở trong lịch sử và thời gian vốn biến động liên tục đang khi hướng tới ngày Thiên Chúa hoàn tất công cuộc đổi mới mọi sự đã được khởi sự nơi Giáo Hội. Trong một thế giới lộ rõ thất vọng vì lạc hướng, Giáo Hội phải là niềm hy vọng cho thế giới. Trong một thế giới đầy bất hoà và chia rẽ, Giáo Hội phải là “dấu chỉ và khí cụ” của sự hiệp nhất và hiệp thông toàn thể gia đình nhân loại.

Giáo Hội không “định cư” ở thế gian, nhưng luôn tiến bước. Giáo Hội không trói buộc mình vào bất cứ một ý thức hệ hoặc chủ nghĩa nào, một thời đại hoặc một nền văn hoá nào, một nền thần học hoặc triết học nào… nhưng ra sức giữ cho mình được hoàn toàn tự do đối với mọi thực tại của thế gian đang biến đổi này.

Dù còn phải đối diện với bao cám dỗ và bách hại từ phía các thế lực trần gian, Giáo Hội vẫn luôn tin tưởng và trung thành với Đức Kitô, bởi biết rằng ngay cửa địa ngục cũng không thể rung chuyển được nền Đá Phêrô. Hơn nữa, Giáo Hội còn lợi dụng cơ hội này để tăng trưởng đến mức trưởng thành.

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Khi gọi Giáo Hội là Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành, Công Đồng muốn nói gì?

T. Khi gọi Giáo Hội là Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành, Công Đồng muốn nói Giáo Hội đang tiến bước trong lịch sử loài người và đang trên đường đạt tới vinh quang toàn vẹn của Nước Trời.

2-H. Ý thức mình còn đang ở trong tình trạng lữ hành, Giáo Hội sẽ làm gì?

T. Ý thức mình còn đang ở trong tình trạng lữ hành, Giáo Hội sẽ không ngừng canh tân khuôn mặt thần linh của mình và dấn thân cho mọi người được vào Nước Trời nghĩa là được sống như Thiên Chúa muốn.

3-H. Phải chăng Giáo Hội chỉ hướng tới và chờ đợi ngày Thiên Chúa hoàn tất việc đổi mới mọi sự?

T. Giáo Hội không chỉ hướng tới và chờ đợi ngày Thiên Chúa hoàn tất việc đổi mới mọi sự, nhưng còn cộng tác với Thiên Chúa trong công cuộc canh tân này, bắt đầu từ chính Giáo Hội.

4-H. Làm thế nào Giáo Hội thoát được cơn cám dỗ “định cư” ở thế gian này, để luôn tiến bước về Nước Trời?

T. Giáo Hội không trói buộc mình vào bất cứ một ý thức hệ hoặc chủ nghĩa, một thời đại hoặc một nền văn hoá nào… nhưng giữ cho mình được hoàn toàn tự do đối với mọi thực tại của thế gian đang biến đổi này.

5-H. Khi phải đối diện với những thử thách và khó khăn từ phía các thế lực trần gian, Giáo Hội ứng phó thế nào?

T. Giáo Hội luôn tin tưởng và trung thành với Chúa Kitô nhờ xác tín rằng quyền lực tử thần cũng không rung chuyển được nền Đá Phêrô.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Trong cuộc lữ hành, Giáo Hội luôn có trước mặt hình ảnh về một thế giới mới và nỗ lực làm cho thế giới ấy trở thành hiện thực. Theo bạn, đó là hình ảnh gì? Có khả thi không?

2. Bao lâu còn là lữ khách, bấy lâu Giáo Hội còn tiến bước giữa những cám dỗ và thử thách đau thương. Nhờ đâu mà Giáo Hội vẫn tin tưởng và trung thành với Chúa Kitô đồng thời đổi mới chính mình dưới tác động của Chúa Thánh thần?

3. Theo bạn, Giáo Hội Việt Nam hôm nay – cụ thể là bạn hoặc đoàn thể và giáo xứ của bạn – có giữ cho mình được hoàn toàn tự do đối với mọi thực tại trần thế hoặc mọi thế lực trần gian không?

4.1 GIÁO HỘI XÂY DỰNG THẾ GIỚI, NƠI CÔNG CHÍNH, BÌNH AN VÀ NIỀM VUI NGỰ TRỊ

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Ý thức mình còn đang trên đường lữ hành không làm cho các tín hữu trốn chạy thế giới, nhưng trái lại, thúc đẩy họ tham gia tích cực vào đời sống và sự tiến bộ của nhân loại. Thật vậy, Giáo Hội luôn sẵn sàng cộng tác với mọi người nhằm xây dựng một thế giới hoàn thiện và tươi đẹp hơn. Hiện diện giữa nhân loại và lịch sử thế giới, dù không chủ tâm xây dựng thành đô ở trần gian, nhưng Giáo Hội vẫn luôn tích cực xây dựng trần thế.

Đồng hành với toàn thể nhân loại, “chúng ta có một sứ mệnh phải hoàn thành trong thế giới; chúng ta có trách nhiệm đối với thế giới, và một công việc bác ái phải hoàn thành”.

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Ý thức mình còn đang trên đường lữ hành có làm cho các tín hữu trốn chạy thế giới không?

T. Không, ý thức này chẳng những không làm cho các tín hữu trốn chạy thế giới, mà ngược lại còn thúc đẩy họ tham gia tích cực vào đời sống và sự tiến bộ của nhân loại, luôn sẵn sàng cộng tác với mọi người nhằm xây dựng một thế giới hoàn thiện và tươi đẹp hơn.

2-H. Thế giới ở đây được hiểu là gì?

T. Thế giới ở đây được hiểu là xã hội loài người với mọi sinh hoạt chính trị, văn hoá, kinh tế của nó.

3-H Đâu là thái độ mà người Kitô hữu phải có đối với xã hội loài người?

T. Người Kitô hữu hiểu rằng mình ở trong trần gian và có một trách nhiệm phải chu toàn đối với xã hội loài người, nhưng đồng thời phải có tinh thần siêu thoát trên đường thực hiện vận mệnh vĩnh cửu của mình.

4-H. Công đồng Vaticanô II kêu gọi các tín hữu có thái độ nào đối với thế giới?

T. Công đồng Vaticanô II kêu gọi các tín hữu quan tâm đến vận mệnh của thế giới và liên đới với xã hội loài người trong hy vọng cũng như trong lo âu.

5-H. Giáo Hội có thể đóng góp gì cho thế giới?

T. Ngoài việc đem ơn cứu chuộc đến cho thế giới là nhiệm vụ tôn giáo thiết yếu của mình, Giáo Hội còn phục vụ xã hội loài người bằng cách giúp mọi người suy nghĩ và hiểu được ý nghĩa của cuộc sống, tôn trọng và bảo vệ phẩm giá của mình, xây dựng tinh thần tương trợ và hiệp nhất trong cộng đồng nhân loại.



C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Theo Công đồng Vaticanô II, tại sao Giáo Hội lại có trách nhiệm đối với thế giới?

2. Kể ra những thái độ lệch lạc đối với thế giới mà người Kitô hữu nên tránh.

3. Kể ra những điều Giáo Hội có thể nhận được từ thế giới cũng như có thể đóng góp cho thế giới.

4.2 GIÁO HỘI CHỐNG LẠI TRÀO LƯU TỤC HOÁ VÀ CHỦ NGHĨA VÔ TÍN

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Hiến chế Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay khẳng định: “Không bị một tham vọng trần thế nào thúc đẩy, Giáo Hội chỉ nhắm một điều là dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, tiếp tục công cuộc của chính Đức Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được hầu hạ”(LG 3). Sứ mệnh và trách nhiệm này thúc đẩy Giáo Hội cương quyết chống lại mọi trào lưu tục hoá cũng như chủ nghĩa vô tín.

Trào lưu tục hoá chủ trương Giáo Hội chỉ có một mục đích là phụng sự thế giới, không phải để thế giới được cứu rỗi, nhưng để thế giới hoàn tất mỹ mãn những công trình chân thiện nằm trong tầm tay và sức mạnh của nó.

Chủ nghĩa vô tín thì có nhiều hình thức khác nhau. Theo Công Đồng, “có người phủ nhận Thiên Chúa cách tỏ tường, có người lại nghĩ rằng con người hoàn toàn không thể quả quyết gì về Thiên Chúa. Có người cứu xét vấn đề Thiên Chúa theo một phương pháp làm cho vấn đề đó xem ra thiếu hẳn ý nghĩa. Vượt quá phạm vi khoa học thực nghiệm một cách vô lý, nhiều người hoặc chủ trương giải thích mọi sự bằng khoa học này, hoặc trái lại, hoàn toàn không chấp nhận một chân lý nào là tuyệt đối. Có người lại quá đề cao con người đến nỗi sự tin tưởng vào Thiên Chúa trở nên như vô nghĩa; những người này xem ra muốn đề cao con người hơn là muốn chối bỏ Thiên Chúa. Có người hình dung một Thiên Chúa theo kiểu họ tưởng đến nỗi Thiên Chúa mà họ bài xích không phải là Thiên Chúa của Phúc âm. Cả vấn đề Thiên Chúa cũng không hề được đặt ra bởi vì xem ra họ không cảm thấy áy náy gì về tôn giáo cũng như không thấy tại sao lại phải bận tâm về vấn đề đó. Ngoài ra, chủ nghĩa vô thần nhiều lúc phát sinh hoặc do sự phản kháng mãnh liệt chống lại sự dữ trong thế gian hoặc do nhận định sai lầm cho một số giá trị của con người là tuyệt đối đến nỗi lấy chúng thay thế cho chính Thiên Chúa. Ngay cả nền văn minh hiện đại nhiều lúc có thể làm cho người ta khó đến với Thiên Chúa hơn, không phải tự nó, nhưng vì nó quá bám víu vào những thực tại trần gian … Tín hữu có thể chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ che giấu hơn là bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (LG 19).

Vì vậy, Công Đồng kêu gọi các tín hữu tiến tới một đức tin sống động và trưởng thành, nghĩa là một đức tin được huấn luyện để có thể sáng suốt nhận định và vượt thắng những khó khăn, một đức tin thấm nhập vào toàn thể đời sống của các tín hữu, kể cả đời sống thế tục, và thúc đẩy họ sống công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo khổ (x. LG 21).

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Công Đồng khẳng định thế nào về sứ mạng của Giáo Hội đối với thế giới?

T. Công Đồng khẳng định: “Giáo Hội chỉ nhắm một điều là dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, tiếp tục công cuộc của chính Đức Kitô, Đấng đã đến thế gian để làm chứng cho chân lý, để cứu rỗi chứ không luận phạt, để phục vụ chứ không để được hầu hạ”(LG 3).

2-H. Động lực nào thúc đẩy Giáo Hội cương quyết chống lại mọi trào lưu tục hoá, chủ nghĩa chiều ngang, chủ nghĩa cục bộ và vô tín?

T. Chính sứ mệnh làm chứng cho chân lý thúc đẩy Giáo Hội cương quyết chống lại mọi trào lưu tục hoá cũng như chủ nghĩa cục bộ và vô tín.

3-H. Theo Công Đồng, người ta phủ nhận Thiên Chúa vì những lý do nào?

T. Người ta thường phủ nhận Thiên Chúa vì những lý do này:

- một là quan niệm con người không thể biết gì về Thiên Chúa;

- hai là quá đề cao khoa học;

- ba là quá đề cao con người;

- bốn là quan niệm sai lầm về Thiên Chúa;

- năm là vấn nạn về sự dữ,

- sáu là quá bám víu vào những thực tại trần gian.

4-H. Người tín hữu có trách nhiệm thế nào trong việc khai sinh vô thần?

T. Người tín hữu có trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội.

5-H Trong hoàn cảnh này, người tín hữu phải làm gì?

T. Người tín hữu phải có một đức tin sống động và trưởng thành, nghĩa là một đức tin được huấn luyện để có thể sáng suốt nhận định và vượt thắng những khó khăn, một đức tin thấm nhập vào toàn thể đời sống và thúc đẩy thực thi công bằng, bác ái nhất là đối với người nghèo khổ (x. LG 21).

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều tín hữu mất đức tin là kiến thức khoa học của họ rất cao trong khi kiến thức đức tin thì quá thấp. So với kiến thức khoa học, kiến thức đức tin của bạn thế nào?

2. Nhiều người không tin vào Thiên Chúa vì lối sống đạo của nhiều tín hữu: mê tín và dị đoan, bảo thủ và cố chấp, bất hoà và chia rẽ, thiếu quan tâm và dấn thân trong những vấn đề xã hội vv… Trong lối sống đạo của bạn hoặc nhóm của bạn, cần sửa lại những gì để bạn và nhóm của bạn có thể bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa?

3. Quá bám vào của cải vật chất và tìm hưởng thụ tối đa cũng là nguyên nhân khiến nhiều người khó đến với Thiên Chúa. Lối sống này tác động vào đời sống của người tín hữu, đặc biệt là những tín hữu trẻ, như thế nào?



4.3 GIÁO HỘI CHẤP NHẬN ĐAU KHỔ VÀ HỌC BIẾT THA THỨ

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Để tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, Giáo Hội sẽ phải sống và hoạt động trong những điều kiện khó khăn vì chính Chúa đã hoàn tất công trình cứu độ trong khó nghèo và bách hại. “Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa, Giáo Hội rao truyền cái chết và thập giá Chúa cho đến khi Người lại đến (x.1Cr 11,26). Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh để toàn thắng những khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương với kiên trì và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết” (LG 8).

Chính niềm tin vào Đức Kitô Phục sinh đã khơi dậy niềm hy vọng sống động thúc đẩy Giáo Hội luôn khẩn thiết cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 22,2), lời cầu được dâng lên trong thái độ khiêm tốn thú nhận mình hãy còn xa với điều Thiên Chúa mong đợi. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối, canh tân. Dẫu tin chắc mình đã được thánh hoá, tẩy rửa và cứu chuộc, Giáo Hội vẫn còn “ôm ấp những kẻ có tội trong lòng” nên phải khiêm nhường xin ơn tha thứ, và học biết thứ tha như hằng khẩn nguyện trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12). Chính trong sức mạnh tha thứ này mà lịch sử và vũ hoàn được biến đổi thành nơi công lý, bình an và ân sủng ngự trị.



B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Động lực nào giúp Giáo Hội chấp nhận những điều kiện khó khăn để chu toàn sứ mệnh được giao phó?

T. Giáo Hội chấp nhận sống và hoạt động trong những điều kiện khó khăn vì chính Chúa đã hoàn tất công trình cứu độ trong khó nghèo và bách hại.

2-H. Động lực nào giúp Giáo Hội vượt thắng những khó khăn này?

T- Nhờ thần lực của Chúa Kitô phục sinh mà Giáo Hội được vững mạnh và thắng vượt những khó khăn để chu toàn sứ mệnh của mình.

3-H. Ý thức lữ hành giúp Giáo Hội điều gì?

T. Ý thức lữ hành giúp Giáo Hội dấn thân xây dựng Nước Thiên Chúa vì Nước Thiên Chúa đã khởi sự mà chưa hoàn tất.

4-H Ý thức lữ hành còn giúp Giáo Hội điều gì?

T. Ý thức lữ hành giúp Giáo Hội biết mình còn hữu hạn và tội lỗi cần sám hối và canh tân để có thể bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa cho mọi người.

5-H. Để có thể sám hối và canh tân, Giáo Hội phải làm gì?

T. Giáo Hội phải khiêm nhường xin ơn tha thứ và học biết thứ tha như hằng khẩn nguyện trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6, 12).



C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Giáo Hội còn đang “trên đường lữ thứ trần gian,” chắc chắn còn nhiều khiếm khuyết trong cơ cấu, nhân sự và phương pháp làm việc. Sánh với những gì bạn nhận được qua và nhờ Giáo Hội thì những khiếm khuyết này có đáng kể không?

2. Khi đề cập đến những “khó khăn và sầu muộn từ bên trong” Giáo Hội, Công Đồng muốn nhắc nhớ và nhắn nhủ các tín hữu điều gì?

3. Bạn yêu mến và nghe theo Giáo Hội vì lẽ gì: vì tài đức của những người trong Giáo Hội hay vì Chúa Giêsu và Thánh Thần của Ngài luôn hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội?





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

hãy cho biết ý kiến của bạn...!