Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Năm Thánh 2010: Đề tài II: Ý THỨC THỰC TẠI HỮU HÌNH

ĐỀ TÀI 2: GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH CÒN LÀ MỘT THỰC TẠI HỮU HÌNH

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Giáo Hội ý thức mình là thực tại thiêng liêng (đề tài 1) đồng thời cũng là thực tại hữu hình (đề tài 2). Trong Hiến Chế về Giáo Hội, các nghị phụ xác tín rằng “Đấng trung gian duy nhất là Đức Kitô đã thiết lập và không ngừng bảo vệ Giáo Hội thánh thiện, cộng đoàn đức tin - cậy -mến, như một thực tại hữu hình trên trần gian, qua đó, Ngài thông truyền chân lý và ân sủng cho mọi người. Thế nhưng, không được quan niệm đoàn thể tổ chức theo phẩm trật và thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo Hội tại thế và Giáo Hội dư tràn của cải trên trời, như là hai thực tại khác nhau. Trái lại, chúng làm thành một thực thể phức tạp mang tính nhân loại và thần linh” (GS s.8).

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập có những chiều kích nào?

T. Có hai chiều kích này:

- Một là chiều kích nhân loại; theo đó, Giáo Hội là một đoàn thể hữu hình và là một tổ chức theo phẩm trật.

- Hai là chiều kích thần linh; theo đó, Giáo Hội là một cộng đoàn thiêng liêng và là Nhiệm Thể Chúa Kitô.

2-H. Hai chiều kích thần linh và nhân loại của Giáo Hội kết hợp với nhau như thế nào?

T. Hai chiều kích nêu trên không giản lược vào nhau nhưng kết hợp chặt chẽ với nhau, làm thành một thực thể phức tạp mang tính nhân loại và thần linh.

3-H. Giáo Hội sẽ ra sao, nếu chiều kích thiêng liêng bị loại bỏ?

T. Nếu chiều kích thiêng liêng bị loại bỏ, thì Giáo Hội chỉ còn là một thể chế nhân loại như bao tổ chức chính trị, kinh tế hay xã hội khác.

4-H. Giáo Hội sẽ ra sao, nếu chiều kích trần thế bị loại bỏ?

T. Nếu chiều kích trần thế bị loại bỏ, thì Giáo Hội không còn là cộng đoàn được thiết lập để loan báo Tin mừng Cứu độ cho mọi người.

5-H. Vì sao Chúa Kitô không ngừng bảo vệ Giáo Hội như một thực tại hữu hình trên trần gian?

T. Vì Chúa muốn thông truyền chân lý và ân sủng của Ngài cho mọi người qua thực tại hữu hình ấy.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Giáo Hội giống và khác các tổ chức xã hội ở những điểm nào?

2. Bạn nghĩ thế nào về chủ trương Giáo Hội chỉ nên hoạt động trong lãnh vực thiêng liêng hoặc ngược lại, đấu tranh như một lực lượng chính trị hay xã hội?

3. Qua các nhóm sinh hoạt trong giáo xứ cũng như giáo phận, bạn nhận ra đâu là yếu tố nhân loại và thiêng liêng của Giáo Hội? Hai yếu tố ấy có hòa hợp với nhau không? Nếu không thì làm thế nào để kết hợp chúng lại với nhau?

2.1 GIÁO HỘI VIỆT NAM Ý THỨC MÌNH LÀ MỘT VỚI GIÁO HỘI PHỔ QUÁT VÀ VỚI CÁC GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG KHÁC

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Mỗi cộng đoàn Giáo Hội địa phương không được phép khép lại với chính mình nhưng cần liên kết với các cộng đoàn khác, cụ thể là với những giáo xứ và giáo phận khác. Mối hiệp thông này được diễn tả cách tuyệt vời qua từ ngữ “các Giáo Hội chị em” được sử dụng lần đầu tiên trong Hội nghị khoáng đại lần thứ ba của FABC [Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Á Châu]. Sau khi nói đến mối hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương tại châu Á trong việc cầu nguyện với nhau và cho nhau, học hỏi những thành công cũng như thất bại của nhau, chia sẻ với nhau những mối quan tâm chung về thần học cũng như mục vụ, hỗ trợ nhau về nhân sự cũng như vật chất, các giám mục Á châu đã tóm tắt những hoạt động đó trong một câu: “càng ngày chúng ta càng trở nên những Giáo-Hội-Chị-Em đích thực trong một gia đình duy nhất là Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô.”

Đồng thời mỗi Giáo Hội địa phương phải liên kết với Giáo Hội duy nhất và phổ quát; có thế mới thực sự sống tính duy nhất Công giáo (catholica unitas) của Giáo Hội Chúa Kitô ... Theo giáo huấn của Công đồng Vatican II, Giáo Hội duy nhất và phổ quát hiện diện trong và ngoài các Giáo Hội địa phương. Điều này có nghĩa là Giáo Hội phổ quát không chỉ đơn thuần là tổng số các Giáo Hội địa phương gộp lại. Nhưng mỗi Giáo Hội địa phương đã là “một thực tại đầy đủ và toàn diện của mầu nhiệm hiệp thông trong Chúa Kitô, và Giáo Hội phổ quát là sự hiệp thông của tất cả những mối hiệp thông đó, là Giáo Hội của các Giáo Hội.” Nói theo cách diễn tả quen thuộc và nổi tiếng của Henri de Lubac thì “Giáo Hội là toàn thể trong từng phần: duy nhất trong số nhiều, và tất cả trong mỗi phần.” Sự hiệp thông đó được diễn tả cách hữu hình qua tập đoàn tính của các giám mục mà đứng đầu là giám mục của Rôma. Quyền bính của giám mục Rôma không thể chỉ được nhìn như quyền bính về mặt luật pháp đối với các Giáo Hội địa phương, nhưng trước hết và trên hết phải được nhìn như “ưu quyền về mục vụ nhằm phục vụ tính duy nhất đức tin và sự sống của toàn thể Dân Thiên Chúa.” Giây liên kết này bảo đảm cho tính Tông đồ và Công giáo đích thực của mỗi Giáo Hội địa phương, đồng thời bảo đảm rằng một Giáo Hội địa phương sẽ không bao giờ rời xa cấu trúc căn bản mà Đấng Sáng lập đã ban cho Giáo Hội.

(Nguyễn Khảm, “Đi Tìm Một Cách Thế Hiện Diện Mới của Giáo Hội tại Châu Á,” trang 13-15)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Giáo Hội Phổ Quát có phải là tổng số các Giáo Hội địa phương gộp lại không?

T. Không, chỉ có một Giáo Hội duy nhất và phổ quát hiện diện trong từng Giáo Hội địa phương và trong toàn thể các Giáo Hội địa phương. Mỗi Giáo Hội địa phương đều có đủ tính chất của một Giáo Hội và toàn thể các Giáo Hội địa phương là một với Giáo Hội phổ quát.

2-H. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát cũng như với nhau được thể hiện như thế nào?

T. Sự hiệp thông giữa Giáo Hội địa phương với Giáo Hội phổ quát được thể hiện qua sự hiệp thông giữa các giám mục với với Đức Giáo Hoàng là thủ lãnh và nguyên lý hiệp nhất của Giáo Hội toàn cầu.

3-H. Giáo Hội Việt Nam hiệp thông với Đức Giáo Hoàng như thế nào?

T. Giáo Hội Việt Nam luôn hiệp thông bền chặt với Đức Giáo Hoàng, sẵn sàng tiếp nhận những hướng dẫn của ngài với tinh thần vâng phục, sốt sắng cầu nguyện cho ngài và cho sự hiệp nhất trong Giáo Hội.

4-H. Giáo Hội Việt Nam vâng phục quyền bính phổ quát của Đức Giáo Hoàng theo ý hướng nào?

T. Giáo Hội Việt Nam vâng phục quyền bính phổ quát của Đấng kế vị thánh Phêrô không như quyền bính về mặt luật pháp đối với các Giáo Hội địa phương, nhưng trước hết và trên hết như “ưu quyền về mục vụ nhằm phục vụ sự hiệp nhất của đức tin và đời sống của toàn thể Dân Thiên Chúa.”

5-H. Giáo Hội Việt Nam hiệp thông như thế nào với các Giáo Hội địa phương tại châu Á?

T. Giáo Hội Việt Nam liên kết với các Giáo Hội địa phương tại châu Á trong việc cầu nguyện với nhau và cho nhau, học hỏi và chia sẻ với nhau những mối quan tâm chung về thần học cũng như mục vụ, hỗ trợ nhau về nhân sự cũng như vật chất.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Bạn biết gì về tổ chức và hoạt động chính của Toà Thánh?

2. Bạn biết gì về tổ chức và hoạt động chính của Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC)?

3. Quyền bính của Đức Giáo Hoàng phải được hiểu như thế nào?

2.2 GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH LÀ MỘT TỔ CHỨC THEO PHẨM TRẬT

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Ðức Giêsu đã thiết lập cộng đoàn Mười Hai Tông Ðồ và đặt thánh Phêrô đứng đầu. Các giám mục kế vị các Tông đồ cùng họp thành giám mục đoàn, có Ðức Giáo Hoàng kế vị thánh Phêrô làm đầu. Ðức Giáo Hoàng là giám mục Rôma “Là nguyên lý và nền tảng hữu hình và vĩnh cửu của sự hiệp nhất giữa các giám mục cũng như giữa đông đảo các tín hữu” (GH 23). “Vì là đấng đại diện Chúa Kitô và chủ chăn của toàn thể Hội Thánh nên ngài có quyền tròn đầy, tối cao, và phổ quát để có thể tùy ý hành xử” (GH 22).

Các giám mục theo phần mình cũng là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong các Hội Thánh ở địa phương mình. Các ngài được các linh mục và phó tế trợ giúp, Giám mục là thành viên trong Giám mục đoàn, nên không những phải điều khiển tốt Hội Thánh ở địa phương mình, mà còn phải quan tâm đến tất cả các Hội Thánh địa phương khác nữa (x. GH 23). Giám mục đoàn “có quyền bính tối cao và tròn đầy trên toàn Hội Thánh, nhưng quyền ấy chỉ được thi hành khi có sự chấp thuận của Giám mục Rôma” (GH 22).

Các giáo sĩ gồm giám mục, linh mục và phó tế. Các ngài được chọn lựa và thiết lập để bảo đảm cho dân Thiên Chúa có các chủ chăn, và được tăng trưởng không ngừng. Các ngài nhận những tác vụ khác nhau trong Hội Thánh và trở thành thừa tác viên có chức thánh, hầu mưu ích cho toàn thân thể (x. GH 18). Vì thế, các ngài hành động nhân danh Chúa Kitô là Ðầu, nhận lãnh tác vụ và quyền bính để phục vụ như “tôi tớ của Chúa Kitô” (Rm 1,1), và thi hành tác vụ của mình trong một cộng đoàn, giám mục trong giám mục đoàn, linh mục trong linh mục đoàn. Sau hết mỗi vị cũng hành động với tư cách cá nhân, chịu trách nhiệm cá nhân trước Ðấng đã kêu gọi và trao quyền cho từng vị. (GLHTCG, trang 99)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội để làm gì?

T. Chúa Kitô đã thiết lập các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội để hướng dẫn và phát triển Dân Thiên Chúa.

2-H. Đức Giáo Hoàng là ai?

T. Đức Giáo Hoàng là giám mục giáo phận Rôma và là Đấng kế vị thánh Phêrô, là đại diện Chúa Kitô và là chủ chăn của toàn thể Giáo Hội, là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp thông đức tin trong Giáo Hội.

3-H. Các giám mục là những ai?

T. Giám mục là các vị đại diện Chúa Kitô và là chủ chăn của các Giáo Hội địa phương, là nguyên lý và nền tảng của sự hiệp thông đức tin trong Giáo Hội địa phương.

4-H. Các linh mục và phó tế là những ai?

T. Các linh mục và phó tế là những thừa tác viên có chức thánh và là những cộng sự viên của các giám mục.

5-H. Các thừa tác viên có chức thánh trong Giáo Hội hành động với tư cách nào?

T. Các thừa tác viên trong Giáo Hội hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu và thi hành tác vụ của mình trong một cộng đoàn. Vì là thành viên của giám mục đoàn, nên giám mục chia sẻ trách nhiệm với Giáo Hội toàn cầu. Vì là thành viên của linh mục đoàn, nên linh mục chia sẻ trách nhiệm của giáo phận.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Theo bạn, các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội có cần thiết không? Điều này có phương hại đến sự bình đẳng giữa các tín hữu trong Giáo Hội không?

2. Vì sao các chức vụ khác nhau trong Giáo Hội chỉ được trao ban mà không do dân cử?

3. Vai trò của các giám mục trong Giáo Hội cần thiết và quan trọng như thế nào?

2.3 GIÁO HỘI Ý THỨC MÌNH LÀ THÁNH NHƯNG CÒN PHẢI NÊN THÁNH

A. PHẦN TRÌNH BÀY

Hội Thánh được tuyên xưng là thánh thiện vì “Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Người kết hợp với Hội Thánh như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần” (GH 39).

Thứ đến, vì Thánh Thần ban cho Hội Thánh dồi dào phương tiện cứu rỗi và sự thánh thiện, đó là việc rao giảng Tin Mừng, các bí tích, các nhân đức luân lý, lòng hy sinh phục vụ tha nhân và các đặc sủng (x.GH 48).

Cụ thể hơn, sự thánh thiện của Hội Thánh đã chiếu tỏa ra nơi vô số các vị thánh đã được tuyên phong và trở thành những gương mẫu cho đời sống thánh thiện.

Sự thánh thiện của Hội Thánh là một hành trình tăng trưởng, một cuộc “lữ hành Vượt Qua”, chứ không phải là tình trạng tĩnh tọa an toàn. Vì thế, Hội Thánh vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình, và không ngừng theo đuổi con đường sám hối, canh tân (x.GH 8). Các Kitô hữu luôn được khuyên nhủ “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24). Ðiều này chứng tỏ “tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (Gc 3,2) và cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa (x.GH 8). Ðồng thời cũng có nghĩa là mọi người trong Hội Thánh đều được mời gọi nên Thánh, và Ðức Ái là tâm điểm của đời sống thánh thiện “Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái” (GH 40) vì “Ðức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật, nên Ðức Ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt đến cùng đích. Vì thế, Ðức Ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô” (GH 42). (GLCGVN, trang 93)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1-H. Giáo Hội thánh thiện có phải vì có các tín hữu thánh thiện không?

T. Giáo Hội thánh thiện vì hai lẽ:

- Một là vì được tham dự vào sự thánh thiện của Chúa Kitô là Đầu;

- Hai là vì Giáo Hội được Chúa Kitô dùng làm phương thế thánh hóa các tín hữu và có đủ phương thế để làm việc này.

2-H. Giáo Hội thánh thiện sao còn phải nên thánh?

T. Giáo Hội thánh thiện nhưng con cái của Giáo Hội thì yếu đuối và thường hay vấp ngã nên Giáo Hội không ngừng sám hối và canh tân.

3-H. Theo thánh Phaolô, người Kitô hữu phải làm những gì để nên thánh?

T. Theo thánh Phaolô, người Kitô hữu phải “cởi bỏ con người cũ” đầy tham lam dối trá, và “mặc lấy con người mới” được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống “công chính và thánh thiện.”

4-H. Đâu là tâm điểm của đời sống thánh thiện?

T. Tâm điểm của đời sống thánh thiện là Đức Ái.

5-H. Đâu là đích điểm của đời sống thánh thiện?

T. Đích điểm của đời sống thánh thiện là Chúa Kitô. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội không ngừng vươn lên đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô (x. Ep 4,13).

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Bạn có thái độ nào trước những lầm lỗi và thiếu sót của Giáo Hội?

2. Đối với bạn, thánh và nên thánh nghĩa là gì?

3. Theo bạn, sự thánh thiện của mỗi Kitô hữu có liên hệ đến Giáo Hội không? Liên hệ như thế nào?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

hãy cho biết ý kiến của bạn...!