Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Tài liệu Năm Thánh 2010: CHẶNG ĐƯỜNG HÌNH THÀNH GIÁO HỘI TẠI VIỆT NAM

NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG
LỊCH SỬ GIÁO HỘI HÌNH THÀNH
TẠI VIỆT NAM



A. PHẦN TRÌNH BÀY

“Cây có cội, nước có nguồn”. Sức sống của Hội Thánh hôm nay là thành quả của hơn 400 năm hạt giống Tin Mừng được gieo trồng. Cũng là thành quả của hơn 400 năm cây đức tin được vun xới và phát triển, hơn bốn trăm năm Hội Thánh chia sẻ muôn nỗi thăng trầm của quê hương, và cũng là hơn 400 năm chan hòa hồng ân Thiên Chúa. Trong Thư Chung 1980, HÐGMVN viết: “Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa, đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt Nam của chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình... “ (số 17).

1. Hạt giống Tin Mừng được gieo vãi (Thế kỷ XVI)

Những tiến bộ của ngành hàng hải giúp Christophe Comlomb đến được Mỹ Châu năm 1542, cũng đã nối dài những bước chân truyền giáo của các thừa sai vượt đại dương, đến quê hương Việt Nam. Năm 1533, theo Khâm Ðịnh Việt Sử (33,6b), chỉ dụ cấm đạo của vua Lê Trang Tôn đã nói đến một thừa sai tây phương tên I-Nê-Khu, men theo đường biển vào truyền đạo tại làng Ninh Cường, và làng Trà Lũ. Tiếp theo là dấu chân rao giảng của các linh mục dòng Ða Minh: Năm 1550, cha Gaspar De Santa Cruz đến giảng đạo tại Hà Tiên; Năm 1588, hai cha Luis de Fonseca và Grégoire de la Motte bị vua Chiêm Thành hãm hại tại Quảng Nam. Trước đó, năm 1583, do lời mời của nhà Mạc, các linh mục dòng Phaxicô đã đến Bắc Hà. Cha Bartôlômêô Ruiz đã giảng đạo bằng tranh ảnh tôn giáo. Sự kiện nổi bật cuối thế kỷ XVI (1591) là việc trở lại của công chúa Mai Hoa (Maria Flora) tại Thanh Hóa, do linh mục Ordonez. Hiện nay tại An Trường (Thanh Hóa) vẫn còn một nền nhà thờ và một giếng Da-tô do công chúa cho đào.

Người tín hữu đầu tiên. Dựa vào gia phả nhà họ Ðỗ, cụ Ðỗ Hưng Viễn, người làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hóa, được coi là tín hữu Việt Nam tiên khởi. Cụ đi sứ và được rửa tội tại Macao thời vua Lê Anh Tôn (1573), nhưng con cái không ai theo đạo.

2. Và những người đầu tiên

Việc các cha dòng Tên, dưới sự điều hành của cha Buzomi đến Cửa Hàn, Quảng Nam, năm 1615, đã khai mở một giai đoạn mới trong lịch sử truyền giáo. Thừa hưởng kinh nghiệm “hội nhập văn hóa” của cha Matteo Ricci tại Trung Hoa và Valignanô tại Nhật Bản, các vị quan tâm đặc biệt đến việc học ngôn ngữ, phong tục dân Việt, và giảng đạo bằng tiếng Việt. Thế là chỉ trong vài chục năm, Tin Mừng đã đi vào văn hóa Việt Nam.

Các tín hữu Việt Nam tiên khởi đã đóng góp vai trò rất lớn lao trong công trình ấy. Ngoài việc giúp các thừa sai học tiếng, các vị còn phiên dịch kinh sách và giáo lý ra chữ Nôm để phổ biến. Sử sách còn nhắc đến cụ nghè Giuse, sư cụ Manuel giúp cha Pina ở Quảng Nam, đến cụ Gioan Kim giúp cha Ðắc Lộ ở An Vực (Thanh Hóa) và những vần thơ văn của công chúa Catarina: “lịch sử đạo Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa đến khi Chúa xuống thế... “. “... Thơ văn đó được các người có đạo truyền tụng nhau, họ ngâm lên lúc làm việc ở nhà, ở ngoài đồng hay lúc đi đường”. Phần lớn những bài vãn dâng hoa cổ và cung giọng ngắm “15 sự thương khó” hiện nay, cũng đã xuất phát từ giai đoạn này.

Nếu người ta quan tâm nhiều hơn đến việc hình thành chữ quốc ngữ trong giai đoạn này, được ổn định năm 1651, khi cha Ðắc Lộ cho xuất bản tại Rôma tự điển Việt-Bồ-La, sách văn phạm An Nam và cuốn song ngữ “Phép giảng tám ngày”; thì cũng đừng quên những tác phẩm tôn giáo bằng chữ Nôm; thừa sai Majorica với 48 tác phẩm về suy niệm và hạnh các Thánh; một giáo hữu Quảng Ngãi là Gioan Thanh Minh với 15 thi phẩm về tiểu sử các Thánh; và nhất là linh mục Lu-y-Ðoan với tập thơ lục bát “Sấm truyền ca” (1670) viết lại truyện Cựu Ước, với nhiều điển tích và thành ngữ Á Ðông.

Cộng tác với thừa sai, còn có một đội ngũ đông đảo các tín hữu Việt Nam, hiến toàn thân cho việc tông đồ, đó là các thầy giảng. Các thầy tuyên khấn độc thân, để tài sản chung và vâng lời thầy bề trên (lớp đầu tại Kẻ Chợ, Hà Nội năm 1630); (tại Cửa Hàn Quảng Nam năm 1643). Các thầy giảng hỗ trợ các thừa sai trong việc giảng dạy giáo lý, điều hành và duy trì các cộng đoàn Dân Chúa, khi các ngài bị trục xuất hoặc vắng mặt.

Những chứng nhân đức tin đầu tiên:

– Tại Ðàng Ngoài: Năm 1630, anh Phanxicô, dù bị chủ là một hoàng thân cấm đoán, vẫn tiếp tục chôn xác người chết, nên bị giam, tra tấn và bị giết.

– Tại Ðàng Trong: Năm 1644, Thầy Anrê Phú Yên bị bắt tại nhà cha Ðắc Lộ. Dù bị quan quân đe dọa, thầy không bỏ đạo, nên bị chém đầu, trên môi còn mấp máy Danh Ðức Giêsu.

Nói về tín hữu Việt Nam thời này, cha Ðắc Lộ viết: “... Ðiều làm tôi cảm động hơn hết là thấy ở xứ đó, bao nhiêu người Công Giáo là bấy nhiêu Thiên Thần, và ơn Phép Rửa đã ban cho họ một tinh thần mà chúng ta gặp thấy ở các Tông Ðồ và các Thánh Tử Ðạo tiên khởi...”.

(Trích “Lược Sử Hội Thánh Công Giáo Tại Việt Nam” trong Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo của HĐGMVN, trang 105-107)

B. PHẦN HỎI-ĐÁP

1- H. Tin Mừng đến Việt Nam từ bao giờ?

T. Năm 1533, theo Khâm Định Việt Sử, chỉ dụ cấm đạo của vua Lê Trang Tôn đã nói đến một thừa sai Tây phương tên là I-nê-khu đã theo đường biển vào truyền đạo tại hai làng Ninh Cường và Trà Lũ thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Từ đó, hạt giống Tin Mừng đã lớn lên và trổ sinh nhiều hoa trái.

2- H. Để rao giảng Tin Mừng, các vị thừa sai đầu tiên đã làm gì?

T. Các vị thừa sai đã hòa mình vào xã hội và hòa nhập vào văn hóa gia đình Việt Nam, đặc biệt sáng tạo và hoàn thành chữ Quốc ngữ với sự cộng tác của một số người Việt trong tu hội Thầy giảng.

3- H. Các tín hữu đầu tiên đã cộng tác thế nào với các vị thừa sai trong công cuộc rao giảng Tin Mừng ?

T. Các tín hữu đầu tiên đã giúp các vị thừa sai học ngôn ngữ và làm quen với phong tục Việt Nam, để các ngài có thể giảng đạo bằng tiếng Việt Nam. Các thầy giảng còn giúp các ngài trong việc dạy giáo lý, điều hành, và duy trì các cộng đoàn Dân Chúa.

4- H. Ai là những chứng nhân đức tin đầu tiên tại Việt Nam?

T. Tại Đàng Ngoài (miền Bắc) có anh Phanxicô, làm việc bác ái mà bị tra tấn và bị giết năm 1630. Tại Đàng Trong (miền Nam), có thầy Anrê Phú Yên là học trò của cha Đắc Lộ, bị chém đầu ngày 26-7-1644.

5- H. Các tín hữu đầu tiên được đồng bào lương yêu thương gọi là gì?

T. Các tín hữu đầu tiên yêu thương nhau đến nỗi đồng bào lương gọi các ngài là những người theo đạo Yêu nhau.

C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI

1. Khi nhìn lại chặng đường lịch sử này, bạn tâm đắc điều gì? Tại sao?

2. Trước những nỗ lực rao giảng Tin Mừng của các vị thừa sai đầu tiên, bạn cảm thấy thế nào?

3. Bạn có thấy cộng đoàn tín hữu đầu tiên thật tuyệt vời không? Theo bạn, tuyệt vời ở điểm nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

hãy cho biết ý kiến của bạn...!