ĐỀ TÀI 3: GIÁO HỘI VIỆT NAM SỐNG CHO ĐỨC KITÔ VÀ NƯỚC TRỜI
A. PHẦN TRÌNH BÀY
Theo Công Đồng Vaticanô II, Chúa Cha hằng hữu đã tạo dựng vũ trụ và quyết định nâng con người lên tham dự đời sống thần linh. Khi con người sa ngã, Ngài đã không từ bỏ nhưng luôn trợ giúp để họ được cứu rỗi nhờ Chúa Kitô.
Chúa Cha cũng muốn qui tụ những ai tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội mà Ngài đã chuẩn bị từ thời Cựu ước, Chúa Kitô đã khai mở bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và Thánh Thần đang làm tăng trưởng cho tới khi được hoàn tất trong vinh quang.
Vì thế, trong Chúa Kitô, Giáo Hội được xem là bí tích nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại. Giáo Hội còn được xem là mầm mống và khởi đầu của Nước Thiên Chúa.
Là dấu chỉ và khí cụ của Nước Thiên Chúa, Giáo Hội không ngừng rao truyền và thiết lập Nước ấy giữa mọi dân tộc. Giáo Hội hằng mong cho Nước Thiên Chúa được hoàn tất và khao khát được kết hợp với Vua của mình trong vinh quang. Có thể nói, Giáo Hội không sống cho chính mình, nhưng sống cho Đức Kitô và Nước Trời (x. LG 1-5).
B. PHẦN HỎI-ĐÁP
1-H. Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là gì?
T. Nước Thiên Chúa hay Nước Trời không phải là một nơi chốn nhưng là tương quan với Thiên Chúa. Được vào Nước Trời nghĩa là được hiệp thông sự sống và hạnh phúc vô tận của Thiên Chúa.
2-H. Vì ý gì Chúa Cha muốn qui tụ những người tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội?
T. Chúa Cha muốn qui tụ những người tin kính Chúa Kitô vào trong Giáo Hội vì muốn dùng Giáo Hội như là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại.
3-H. Giáo Hội này đã được hình thành và phát triển như thế nào?
T. Giáo Hội này đã được Chúa Cha chuẩn bị từ thời Cựu ước, được Chúa Con khai mở bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, và Thánh Thần đang làm tăng trưởng cho tới khi được hoàn tất trong vinh quang.
4-H. Với tư cách là dấu chỉ và khí cụ của Nước Thiên Chúa, Giáo Hội đã làm những gì?
T. Là dấu chỉ và khí cụ của Nước Thiên Chúa, Giáo Hội hằng mong cho Nước Thiên Chúa được hoàn tất và không ngừng rao truyền cũng như thiết lập Nước ấy giữa mọi dân tộc.
5-H. Nhìn về tương lai, Giáo Hội ý thức điều gì?
T. Nhìn về tương lai, Giáo Hội ý thức mình không sống cho chính mình, nhưng sống cho Đức Kitô và Nước Trời.
C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI
1. Đối với bạn, vào Nước Thiên Chúa hay vào Nước Trời nghĩa là gì? Loan báo hay xây dựng Nước Trời là loan báo và xây dựng những gì?
2. Giáo Hội và Nước Trời có liên hệ với nhau như thế nào?
3. Hoạt động của nhóm hay giáo xứ của bạn có gắn liền với việc loan báo và xây dựng Nước Trời không? Nếu có thì ở những điểm nào? Nếu không, cần chỉnh lại những gì?
3.1 NƯỚC THIÊN CHÚA LÀ CHÍNH ĐỨC KITÔ
A. PHẦN TRÌNH BÀY
Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân khẳng định: “Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Tin Mừng, loan báo Nước Thiên Chúa đang đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa: “Thời gian đã trọn, Nước Thiên Chúa gần đến” (Mc 1, 15; x. Mt 4, 17).
Nước này chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Chúa Kitô. Lời Chúa ví như hạt giống gieo xuống ruộng (x. Mc 4,14): ai tin nghe Lời Chúa và gia nhập đàn chiên nhỏ của Chúa Kitô (x. Lc 12,32), thì đã đón nhận chính Nước Ngài; rồi tự sức mình, hạt giống nẩy mầm và lớn lên cho đến mùa gặt (x. Mc 4,26-29).
Các phép lạ của Chúa Giêsu cũng chứng minh rằng Nước Ngài đã đến trong trần gian: “Nếu ta dùng ngón tay Thiên Chúa để trừ ma quỉ, ắt Nước Thiên Chúa đã đến nơi các ngươi rồi” (lc 11,20;x. Mt 12,28). Nhưng trước tiên, Nước ấy biểu lộ trong chính bản thân Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và Con loài người, Đấng đã đến “để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn dân” (Mc 10,45).
Như vậy, Nước Thiên Chúa không là một khái niệm trừu tượng, một học thuyết hay một kế hoạch xa rời thực tế, nhưng trước hết và trên hết là một ngôi vị sống động với khuôn mặt và tên gọi Giêsu Nazareth, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.
B. PHẦN HỎI-ĐÁP
1-H. Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng cách nào?
T. Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo Hội bằng việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời đang đến như đã hứa trong Thánh Kinh từ ngàn xưa.
2-H. Nước Trời được tỏ hiện như thế nào?
T. Nước Trời được tỏ hiện trong chính bản thân Chúa Giêsu, qua sự hiện diện, lời nói và việc làm của Ngài.
3-H. Các phép lạ của Chúa Giêsu chứng tỏ điều gì?
T. Các phép lạ của Chúa Giêsu chứng tỏ Nước Trời đã đến trong thế gian.
4-H. Theo Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Nước Trời là gì?
T. Nước Trời không là một khái niệm trừu tượng, một học thuyết hay một kế hoạch xa rời thực tế, nhưng trước hết và trên hết là một ngôi vị sống động với khuôn mặt và tên gọi Giêsu Nazareth, hình ảnh của Thiên Chúa vô hình.
5-H. Theo Công Đồng, những ai được xem là người đón nhận Nước Trời?
T. Những ai nghe Lời Chúa với lòng tin và gia nhập đàn chiên nhỏ bé của Ngài, được xem là người đón nhận Nước Thiên Chúa.
C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI
1. Việc gia nhập Giáo Hội, đối với bạn, có ý nghĩa gì?
2. Nguyên việc gia nhập Giáo Hội có đủ để được xem là đón nhận Nước Trời không? Nếu không thì cần thêm điều gì?
3. Bạn có hiểu vì sao Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, khi nói về Nước Trời, lại nhấn mạnh đến ngôi vị sống động là Chúa Giêsu không?
3.2 NƯỚC THIÊN CHÚA LÀ THẾ GIỚI CỦA SỰ CÔNG CHÍNH, BÌNH AN VÀ HOAN LẠC
A. PHẦN TRÌNH BÀY
Khi rao giảng Nước Trời đang đến, Chúa Giêsu kêu gọi con người hoán cải và tin vào Tin Mừng. Hoán cải để vượt thoát tội lỗi, căn nguyên của mọi thứ nô lệ, để đứng lên và quay về với Thiên Chúa trong niềm tin vào tình yêu Chúa Cha, được tỏ lộ và ban tặng cách nhưng không trong Chúa Con nhờ Chúa Thánh Thần. Trong tình yêu của Thiên Chúa, quan hệ giữa người với người sẽ được thăng hoa nhờ yêu thương, tha thứ và phục vụ.
Trong Nước Thiên Chúa, con người được mời gọi nên hoàn thiện như Cha trên trời (x. Mt 5,48), yêu thương như Đức Kitô (x. Ga 15,3), trao cho nhau công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần (x. Rm 14,17).
B. PHẦN HỎI-ĐÁP
1-H. Khi rao giảng Nước Trời đang đến, Chúa Giêsu mời gọi ta điều gì?
T. Khi rao giảng Nước Trời đang đến, Chúa Giêsu mời gọi ta hoán cải và tin vào Tin Mừng, để thoát ách tội lỗi và quay về với Thiên Chúa trong niềm tin vào tình yêu Chúa Cha, được tỏ lộ và ban tặng cách nhưng không trong Chúa Con nhờ Chúa Thánh Thần.
2-H. Niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa giúp người Kitô hữu sống với mọi người như thế nào?
T. Niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa giúp người Kitô hữu yêu thương, tha thứ và phục vụ mọi người.
3-H Để có thể hiệp thông sự sống tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa, người Kitô hữu phải làm gì?
T. Để có thể hiệp thông sự sống tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa, người Kitô hữu được mời gọi nên hoàn thiện như Cha trên trời, yêu thương như Đức Kitô, trao cho nhau công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.
4-H. Công chính nghĩa là gì?
T. Công chính là sự hòa hợp giữa con người với Thiên Chúa, nhờ đó hòa hợp với chính bản thân cũng như với người khác và thiên nhiên.
5-H. Thế nào là bình an và hoan lạc trong Thánh Thần?
T. Bình an là hoa trái của sự công chính trong khi hoan lạc là hoa trái của bình an. Do đó, con người chỉ có được sự bình an và hoan lạc trong Thánh Thần, khi sống hòa hợp với Thiên Chúa, với bản thân cũng như với người khác và thiên nhiên.
C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI
1. Nước Trời là nước của sự công chính. Theo bạn, công chính là gì?
2. Nước Trời là nước của sự bình an. Theo bạn, thế nào là bình an đích thực?
3. Nước Trời là vương quốc chan hoà niềm vui. Niềm vui nào?
3.3 NƯỚC THIÊN CHÚA ĐÃ HIỆN DIỆN VÀ CÒN ĐANG PHÁT TRIỂN
A. PHẦN TRÌNH BÀY
Qua lời rao giảng và những dấu lạ Chúa Giêsu làm, Nước Thiên Chúa đã bắt đầu trong xã hội loài người và âm thầm tăng trưởng cho tới khi hoàn tất trong ngày quang lâm. Vì mới khởi đầu và còn đang tăng trưởng, nên hiện nay, ở trần gian, Nước Thiên Chúa chưa hoàn toàn nghĩa là chưa đạt tới tình trạng hoàn hảo chung cuộc của nó.
Giáo Hội là hình thức phôi thai của Nước Thiên Chúa ở trần gian, chưa phải là chính Nước Thiên Chúa trong hình thái hoàn hảo chung cuộc của nó. Thánh Thần, Đấng đã được ban cho Giáo Hội và các tín hữu như hoa quả đầu mùa, như lời hứa và bảo chứng của Nước Thiên Chúa mai sau, không ngừng làm cho Giáo Hội và các tín hữu vươn lên đạt đến tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Eph 4,13).
Thánh Thể mà Giáo Hội cử hành và phân phát hằng ngày báo trước và là bảo chứng bữa tiệc thiên quốc được hứa ban cho các tín hữu. Chính nhờ Thánh Thể mà đời sống Giáo Hội luôn được thanh luyện và đổi mới. Theo cách nói của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Thánh Thể phải tạo nên một sự “bùng nổ hạt nhân” kích hoạt sự biến đổi tận gốc toàn thể Giáo Hội, thế giới và vũ hoàn (Ratzinger, Eucharist: Communion and Solidarity, 2002).
Vì Nước Thiên Chúa còn ở trong tình trạng phôi thai nên Giáo Hội hằng tha thiết cầu xin cho Nước Chúa trị đến và góp phần kiến tạo Nước Thiên Chúa ở trần gian bằng cách: (1) loan báo Tin Mừng và kêu gọi hoán cải; (2) thiết lập những cộng đoàn mới trên đức tin và đức ái; (3) diễn đạt và quảng bá những giá trị Tin Mừng để giúp các dân tộc đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa ; và (4) cổ xúy đối thoại, gặp gỡ và chăm sóc cho những người nghèo khổ, yếu đau.
B. PHẦN HỎI-ĐÁP
1-H. Nước Thiên Chúa hiện nay đang ở trong tình trạng nào?
T. Nước Thiên Chúa hiện nay chưa hoàn toàn nghĩa là chưa đạt tới tình trạng hoàn hảo chung cuộc của nó.
2-H. Giáo Hội có phải là Nước Thiên Chúa không?
T- Giáo Hội là hình thức phôi thai, là dấu chỉ và khí cụ của Nước Thiên Chúa ở trần gian. Giáo Hội chưa phải là chính Nước Thiên Chúa trong hình thái hoàn hảo chung cuộc của nó.
3-H. Chúa Thánh Thần làm gì cho Giáo Hội?
T. Chúa Thánh Thần luôn sống trong Giáo Hội và không ngừng làm cho Giáo Hội vươn lên, đạt đến tầm vóc viên mãn của Đức Kitô (x. Eph 4, 13).
4-H Mầu nhiệm Giáo Hội liên hệ thế nào với mầu nhiệm Thánh Thể?
T. Giáo Hội làm nên Thánh thể và Thánh Thể làm nên Giáo Hội, nghĩa là Giáo Hội cử hành Thánh Thể và nhờ Thánh Thể mà đời sống Giáo Hội luôn được thanh luyện và đổi mới.
5-H. Giáo Hội làm gì để kiến tạo Nước Thiên Chúa ở trần gian?
T. Giáo Hội kiến tạo Nước Thiên Chúa bằng những cách sau đây:
- Một là loan báo Tin Mừng và kêu gọi hoán cải;
- Hai là thiết lập những cộng đoàn mới trên đức tin và đức ái;
- Ba là diễn đạt và quảng bá những giá trị Tin Mừng để giúp các dân tộc đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa;
- Bốn là cổ võ đối thoại, gặp gỡ và chăm sóc cho những người nghèo khổ, yếu đau.
C. PHẦN GỢI Ý TRAO ĐỔI
1. Bạn có biết vì sao Giáo Hội hằng ngóng đợi và tha thiết cầu xin cho Nước Chúa trị đến không?
2. Điểm son của các cộng đoàn tín hữu Việt nam là luôn gắn bó với Chúa Giêsu Thánh Thể, phần đông vẫn siêng năng tham dự thánh lễ hàng ngày với một đức tin sống động. Theo bạn, làm thế nào để thánh lễ thực sự trở nên sức mạnh sinh động hoá nếp sống Kitô hữu mọi ngày?
3. Trong những việc Giáo Hội cần phải làm để kiến tạo Nước Thiên Chúa ở trần gian, việc nào khởi sắc nhất trong hoạt động của nhóm hay giáo xứ của bạn?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
hãy cho biết ý kiến của bạn...!