Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Những thái độ cơ bản của Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn.

Tin Mừng Thương Khó giúp nhận ra những thái độ cơ bản của Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn. Những thái độ mà Chúa Giêsu đã trải nghiệm cũng chính là kiểu mẫu cho những trải nghiệm tâm linh của người Kitô hữu. Chúng ta có thể nhận ra được ba thái độ chính :
-Yêu thương trong vâng phục cho đến chết :
Chúa Giêsu đã đạt đến cấp độ cao nhất của sự vâng lời, và của tình yêu đối với Chúa Cha thông qua cuộc Khổ Nạn. (Ga 4, 34 ; 5,30 ; 6,38 ; 14,31 ;17,4 ; 19,30 ; Mc 14,32-42 ; Pl 2,8). Ở đó mối liên hệ trực tiếp trong sự vâng phục và cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô là : « Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục » (Dt 5,8).
Chúa Giêsu vâng theo ý muốn của Chúa Cha kể từ khi Ngài hạ mình xuống thế và mầu nhiệm nhập thể chính là mở đầu cho cuộc khổ nạn mà Ngài hoàn tất trên Thập Tự giá (Dt 10,5-10). Chúa Cha muốn trao ban Con Một của Ngài cho nhân loại (Ga 3,15-16) và Chúa Giêsu đã chọn cuộc Thương Khó để hoàn tất ý muốn của Chúa Cha ; qua đó Chúa Giêsu đã thể hiện những giá trị nội tại cao cả nơi sự hiến dâng chính mình : hành động của tình yêu trong vâng phục ; sự chấp nhận triệt để thể hiện bằng cách trao ban bản thân một cách trọn vẹn. Trong đó sự sẵn sàng vâng phục cho đến chết là cao điểm của đời sống Kitô hữu, đồng thời cũng là đỉnh cao và nguồn gốc của mọi trải nghiệm tâm linh. Nhờ thế mầu nhiệm thập giá được soi rõ từ chính trải nghiệm của tình yêu trong vâng phục này.
-Yêu thương trong tình liên đới cho đến hy sinh :
Những đoạn Tin Mừng Thương Khó bắt đầu với cử chỉ tượng trưng qua việc rửa chân các tông đồ (Ga 13,1-17). Cử chỉ này không phải là một trong những cử chỉ đơn thuần như bao cử chỉ khác, nhưng nó hướng đến sự phục vụ trong tình huynh đệ. Tư tưởng phục vụ luôn là cảm hứng xuyên suốt Tin Mừng (Mc 9,35 ; Mt 7,12 ; Lc 6,27-28 ; 12,37) ; và sự phục vụ đầu tiên mà Chúa Giêsu đã làm cho nhân loại chính là mặc khải tình yêu của Chúa Cha (Ga 1,18). Nhân loại chỉ có thể hiểu được tình yêu này lúc Chúa Giêsu hiến trao mạng sống cho họ trên Thập Tự giá (1 Ga 3,16). Vậy thì sự phục vụ - như Chúa đã giải thích bằng chính Ngài - bao gồm cả sự trao ban chính mình (Ga 17,19 ; Ep 5,25 ; Gl 2,20)  và tình  liên đới huynh đệ. Điều này có nghĩa là « yêu thương cho đến chết » (Ga 13,1). Chúa Giêsu đã thể hiện qua việc chấp nhận thân phận đau khổ, cái chết của con người và qua việc vác thánh giá, Chúa Giêsu đã uống chén đắng của nhân loại để đến lượt nhân loại có thể uống được chén hồng ân ngọt ngào. Tất cả đời sống của Chúa Giêsu là trao ban để cứu chuộc những huynh đệ đồng bản tính nhân loại với Ngài (Mt 20, 28 ; 26,28 ; Mc 10, 45 ; 14,24 ; Lc 22,19-20 ; 1 Tm 2,6)  nhưng sự hiến trao trên thập giá mới thực sự hoàn tất và tình yêu thương trong tình liên đới đạt đến cao độ của tình yêu vĩ đại nhất (Ga 10,11.15.17.18 ;15,13).
-Chịu sỉ nhục cho đến chấp nhận bị treo trên Thập Tự giá :
Trong các đoạn Tin Mừng Thương Khó, Sự hạ mình (kénose) được trình bày như là kết quả của một chọn lựa tình yêu. Và sự sỉ nhục thể hiện ý nghĩa khi Chúa Giêsu chấp nhận trở thành người phục vụ « mang lấy thân phận nô lệ » và nó đạt đến viên mãn khi Chúa Giêsu chấp nhận làm hiến phẩm trước Chúa Cha cho nhân loại, « trở nên giống phàm nhân »« vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. » (Pl 2, 7-8 ; Rm 5,19 ; 8,3 ; 2Cr 8,9 ; Dt 12,2).
Sự hạ mình (kénose) của Chúa Giêsu nhằm mục đích kéo nhân loại theo Ngài đến vinh quang, bởi Ngài được tôn vinh cho tình yêu trong vâng phục và trong tình liên đới (Pl 2,9).


Do đó cuộc Khổ Nạn không chỉ thể hiện ý nghĩa cuộc đời của Chúa Giêsu, mà nó còn mang đến những ánh sáng cho những khổ đau của nhân loại, bởi qua đó Thiên Chúa đã chấp nhận sự đớn đau tột cùng để mặc khải tình yêu của Ngài và nói lên rằng sự tự hạ là một điều kiện không thể thiếu của để được tôn vinh (Mt 23,12 ; Mc 10, 43 ; Lc 14,11 ; 18,14 ; 22,26 ; Ep 1,20-23 ; Pl 2,9).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

hãy cho biết ý kiến của bạn...!